Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến

Hình ảnh của những người lính là một đề tài vô cùng quen thuộc tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác mãnh liệt cho các nhà văn, nhà thơ.Có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về đề tài này như: Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính,… Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu như ta bỏ qua bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Ông là một người nghệ sĩ đa tài, là một nhà văn chiến sĩ với ngòi bút hào hoa, lãng mạn, hồn hậu mà phóng khoáng, tinh tế. Ông đã viết nên bài thơ Tây Tiến với cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ đồng đội thân yêu, nhớ đoàn binh Tây Tiến, nhớ bản mường và núi rừng miền Tây, nhớ cả những kỉ niệm đẹp đẽ một thời trận mạc… Bài thơ này ẩn chứa nhiều giá trị, ý nghĩa sâu xa mà lại vô cùng đặc sắc, đặc biệt là ở khổ thơ đầu. Khổ thơ đầu đã tái hiện được bức tranh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và mỹ lệ.

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến

Tây Tiến là đơn vị bộ đội được thành lập năm 1947 với nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào. Địa bàn hoạt động của họ trải dài từ vùng Tây Bắc nước ta, qua tới Sầm Nứa (Lào) rồi trải xuống đến miên Tây Thanh Hóa của nước ta. Lực lượng tham gia chủ yếu là thanh niên, trong đó phần nhiều là học sinh, sinh viên Hà Nội. Mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn về vật chất, vũ khí, lại thêm bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, nhưng những con người ấy vẫn mang trong mình tâm hồn lạc quan và dũng cảm vượt qua khó khăn. Đến cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển qua đơn vị khác, và bài thơ này là những dòng hồi tưởng của ông về thời kì đẹp đẽ, huy hoàng nhất của binh đoàn Tây Tiến.

Mở đầu bài thơ là một câu cảm thán:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Câu cảm thán ấy thể hiện được sự tiếc nuối của nhà thơ về những ngày tháng hoạt động cùng với binh đoàn Tây Tiến, nay chỉ còn lại trong những dòng kí ức và cả những nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy được khắc họa qua việc sử dụng từ láy “chơi vơi”:

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Đó là nỗi nhớ lênh đênh, vô định nhưng lại vô cùng da diết, sâu thẳm, luôn luôn thường trực trong lòng người chiến sĩ. Không chỉ nhớ những người đồng chí, đồng đội mà còn nhớ cả rừng núi, thiên nhiên, những nơi mình đã từng đặt chân qua. Tất cả luôn thường trực trong kí ức, tạo nên âm hưởng da diết, ngân vang bao trùm cả không gian và thời gian. “Tây Tiến ơi!”, tiếng gọi tha thiết của Quang Dũng như vang vọng cả đất trời, tiếng gọi như là lời chuyện trò thân mật của tác giả.

Suốt dọc khổ thơ đầu, tác giả đã liệt kê ra một loạt tên địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu. Những cái tên ấy nghe chừng thật xa lạ, nhưng với ngòi bút tài hoa, nhà thơ Quang Dũng đã biến những cái xa lạ ấy trở nên thật gần gũi. Đoàn quân Tây Tiến mòn mỏi tiến tới chiến trường dưới lớp sương mù dày đặc. Nghệ thuật miêu tả được sử dụng để khắc họa cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, màn sương như che lấp đi bóng dáng con người. Nó cũng gợi ra cái hiện thực mà những người lính phải trải qua trên hành trình bảo vệ biên giới. Việc nhà thơ sử dụng chủ yếu các tiếng thanh bằng trong câu thơ thứ tư:

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Tạo nên nhịp ngưng nghỉ sau cả một chặng đường hành quân dài. Đồng thời, câu thơ ấy cũng gợi ra được khung cảnh thơ mộng, trữ tình của núi rừng Tây Bắc.

Bốn câu thơ tiếp theo được coi như là tuyệt bút của toàn bài:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Nhà thơ đã dựng lên độ cao đến rợn người của chiến trường, những người lính phải hành quân lên cao mãi, hết con dốc này đến con dốc khác, đã “khúc khuỷu” lại thêm “thăm thẳm” đã gợi ra được chặng đường hành quân không bằng phẳng, khó khăn chồng chất. Nhịp thơ dừng lại ở thanh trắc, dường như người đọc cảm nhận được tiếng thở nặng nhọc, gấp gáp của những người lính đang leo núi để chiếm lĩnh độ cao “thăm thẳm”. Với nghệ thuật đảo, nhà thơ đã nhấn mạnh đến sự vắng vẻ trong không gian, đồng thời làm nổi bật vị trí đứng của những người lính Tây Tiến: các anh như đang đi trong mây, cưỡi trên mây. Và những ngọn súng của các anh đã chạm đến trời, giống như nhà thơ Chính Hữu đã từng viết khi kết thúc tác phẩm Đồng chí:

Đầu súng trăng treo

Hình ảnh “súng” được nhân hóa như con người, tạo nét hóm hỉnh, tinh nghịch của những người lính hào hoa nơi Hà Nội hoa lệ đi đánh giặc ở miền Tây.

Nhịp thơ ở câu thơ thứ ba thật đặc biệt:

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhịp thơ 4/3 giống như một sự bẻ gãy chặng đường hành quân của những người lính. Chặng được bị bẻ gãy nhưng không gian lại càng được mở rộng ra nhờ nghệ thuật đối “cao – xuống” đã làm cho không gian trở nên rộng lớn hơn, kết hợp với ý thơ “ngàn thước xuống”. Nếu như ở câu thơ này sử dụng nhiều thanh trắc thì ở câu sau lại là một loạt thanh bằng, lời thơ mang đến sự êm ả, đồng thời là những phút nghỉ ngơi của những người lính sau cả một chặng đường hành quân dài. Sự đối lập về thanh điệu ở hai câu thơ này đã đem lại sự đối lập giữa cảnh và tình, đó cũng chính là nét tài hoa của tác giả.

Hình ảnh của thiên nhiên miền Tây đã được tác giả Quang Dũng khắc họa qua hai câu thơ:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Từ láy “chiều chiều”, “đêm đêm” gợi ra tần suất thường xuyên, liên tục của những khó khăn, gian nan mà người lính phải trải qua. Người chiến sĩ phải đối mặt với những nguy hiểm luôn rình rập nơi rừng thiêng nước độc bằng tiếng cọp, thác dữ có thể cướp đi sinh mạng của họ bất cứ lúc nào. Dấu nặng trong câu thơ:

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

dường như là sự nặng nề đè lên câu thơ, cũng có thể là bước chân của những con cọp đang săn đuổi. Tuy nhiên, những khó khăn ấy chẳng thể nào ngăn cản được ý chí chiến đấu của những người lính Tây Tiến: họ đối mặt với khó khăn bằng sự dí dỏm, hài hước, coi tiếng cọp chỉ là những lời trêu đùa bên tai. Đôi ba phút vui vẻ trên đường hành quân đầy khó khăn là thế, nhưng đôi khi chính sự khắc nghiệt, gian khó của chiến trường làm cho người chiến sĩ nản chí, như muốn buông xuôi tất cả:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Sự ra đi, hi sinh của những người đồng chí, đồng đội như những người anh em ruột thịt của mình càng làm cho những người lính Tây Tiến thêm đau xót.Thời ấy, khi có người đồng chí nào hy sinh là sẽ có tiếng kẻng vang lên. Có khi vừa mới tiễn đưa người đồng chí này xong, trở lại công việc chưa được bao lâu thì tiếng kẻng ấy lại vang lên, nghĩa là có một người đồng chí nữa hi sinh. Người ra đi, người ở lại, nỗi buồn để lại thật sâu đậm biết bao! Nhưng cũng không vì vậy mà những người lính chấp nhận buông xuôi, mà đó chính là tình cảm của những người lính, tấm lòng dạt dào tình yêu thương của họ.

Không chỉ nhớ về những khó khăn, gian khổ, người lính Tây Tiến còn nhớ về những kỉ niệm cùng người dân ở vùng đất nơi mình đi qua:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Người chiến sĩ nhớ về khoảng thời gian ở Mai Châu. Hình ảnh “mùa em” có thể hiểu là mùa lúa, mùa thu hoạch, cũng có thể được hiểu là mùa của sự gắn kết tình quân – dân. Sự kết hợp từ “mùa em” đã gợi cho người đọc nhiều trường liên tưởng khác nhau. Những người lính không chỉ nhớ về những ngày mùa ở Mai Châu, nhớ về nồi cơm lên khói, hương vị nếp xôi, mà còn nhớ cả những cô gái nơi đây. Tất cả đã trở thành những kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ, đáng yêu và đáng trân quý của những chàng lính Tây Tiến hào hoa.

Có thể nói, khổ thơ đầu tiên của bài thơ Tây Tiến đã tái hiện được vẻ đẹp hào hoa, bi tráng của những người lính Tây Tiến. Đồng thời, nhà thơ Quang Dũng đem đến cho người đọc cách nhìn mới mẻ về những con người ấy. Với những miêu tả sáng tạo, thú vị, pha lẫn sự hài hước, vui tươi trong giọng điệu của bài, nhà thơ đã làm nên một tác phẩm giàu ý nghĩa và đậm tính nhân văn.

Viết bởi Diệp Tư Viễn

Advertisement

(*) Bản quyền bài viết thuộc về AnyBooks.vn. Khi chia sẻ, cần phải dẫn link, trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết và AnyBooks - Kết nối tri thức. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Trang chủ: AnyBooks.vn, hoặc click: Sách hay, Nguyễn Tuân, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Thơ ca là gì, trích dẫn sách, Cái tôi là gì, Tản văn hay

Từ Sách Đến Đời
Sách cùng danh mục
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Qua ngòi bút, qua nhân vật Mị, A Phủ đại diện cho những con người chịu áp bức của hủ tục, cường...

Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong Hai đứa trẻ

Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong Hai đứa trẻ

Dưới con mắt ngây thơ của “Hai đứa trẻ”, người đọc dường như cùng nhập cuộc, cùng theo dõi,...

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

"Mùa xuân nho nhỏ" là ngọn lửa diệu kì ủ ấm đôi tay xám ngắt của thi nhân. Ngọn lửa ấy như có...

Phân tích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương

Phân tích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương

"Thương vợ" là bài thơ tác giả viết về vợ mình, để ghi lại tình yêu thương chân thành với bà, cũng...

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

Có thể nói, “Câu cá mùa thu” là bài thơ của làng quê Việt Nam, đặc biệt là làng quê vùng Bắc Bộ....

Chất thơ trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Chất thơ trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Mỗi chi tiết trong “Hai đứa trẻ” được Thạch Lam khắc hoạ một cách sinh động, cụ thể với ngôn...

Phân tích 13 câu thơ đầu trong bài thơ vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích 13 câu thơ đầu trong bài thơ vội vàng của Xuân Diệu

Xuân Diệu – một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, được biết đến qua phong cách sáng...

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

Cuộc sống xung quanh ta là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, và môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn...

Advertisement
Sách hay nên đọc
Làm sáng tỏ nhận định “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời”

Làm sáng tỏ nhận định “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời”

Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là được rung lên từ những cung bậc tình cảm và chứa đựng...

Phân tích ý nghĩa của truyện cổ tích cây tre trăm đốt

Phân tích ý nghĩa của truyện cổ tích cây tre trăm đốt

Cây tre trăm đốt là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng tại Việt Nam mang ý nghĩa sâu sắc. Câu...

Phân tích bài thơ Nhớ con sông quê hương

Phân tích bài thơ Nhớ con sông quê hương

Hình ảnh con sông quê hương từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong các sáng tác hay tác phẩm nghệ...

Ý nghĩa và bài học rút ra từ truyện cổ tích cậu bé Tích Chu

Ý nghĩa và bài học rút ra từ truyện cổ tích cậu bé Tích Chu

Tích Chu là câu chuyện quen thuộc, hãy yêu thương những người thân của mình, hãy yêu thương bằng tất...

Thơ ca là gì? Đặc trưng và phân loại thơ

Thơ ca là gì? Đặc trưng và phân loại thơ

Thơ hay thơ ca, thi ca là những hình thức sáng tạo văn học phản ánh cuộc sống với những xúc cảm chất...

Những nhận định hay về các tác phẩm thơ lớp 12

Những nhận định hay về các tác phẩm thơ lớp 12

Bài văn sẽ hay hơn nếu có những nhận định về nhà thơ và nhà văn. Dưới đây là tổng hợp những...

Anybooks.vn - Kênh thông tin giới thiệu sách, review sách, chia sẻ những cuốn sách hay nên đọc dành cho độc giả.