Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung

“Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”

Nhà văn Nga L.Lê-ô-nốp có nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Đây quả là một nhận định sâu sắc, ý nghĩa và đúng đắn. Bởi mỗi tác giả, mỗi nhà văn, nhà thơ đều sẽ mang trong mình một cái tôi riêng, một phong cách riêng và một cái nhìn riêng về cuộc sống, vậy nên cách mà họ đưa những “cái nhìn” ấy từ cuộc sống vào trong thơ cũng sẽ khác biệt và mới lạ. Tiêu biểu như bài thơ “Vội Vàng” của tác giả Xuân Diệu hay “Chí Phèo” - truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, đều có những sáng tạo rõ rệt và độc đáo.

Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung

Vậy, thế nào là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”? Và thế nào thì được coi là một tác phẩm văn học? Tác phẩm văn học được coi là công trình nghệ thuật ngôn từ, là kết quả của tiến trình lao động nghệ thuật, quá trình hoạt động sáng tác của cá nhân nhà văn hay là kết quả của nỗ lực sáng tác tập thể. Còn những “phát minh” những “khám phá” về nội dung và hình thức thì chính là những sáng tạo, những điểm đổi mới, vượt ra ngoài những khuôn khổ, quy định về câu chữ, về hình thức, là những điểm mà thế hệ đi trước chưa ai làm về cả hình thức và nội dung, nhưng lại được các tác giả -  những người tiên phong đổi mới, sáng tạo, áp dụng vào thi ca áp dụng vào tác phẩm một cách thành công vô cùng như vậy. Khi một tác phẩm văn học được coi là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” cũng có nghĩa là quá trình lao động nghệ thuật của tác giả là quá trình nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ, đánh đổi cả mồ hôi và nước mắt để đạt đến thành công. “Vội vàng” và “Chí Phèo” là hai tác phẩm thể hiện được rõ nét nhất và phù hợp nhất nhận định trên.

Trước hết là truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao - một truyện ngắn lấy đề tài từ những người nông dân - những con người khốn khổ trong xã hội cũ. Trước Chí Phèo, ta đã biết đến một chị Dậu trong tác phẩm “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố,  một ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của tác giả Kim Lân, vậy, Chí Phèo có điểm gì mới điểm gì khác so với những tác phẩm trước đó? Những tưởng ông Hai, chị Dậu đã là những con người ở dưới tận đáy vực của xã hội lúc ấy, tượng trưng cho sự khốn khổ mà người dân nghèo phải chịu khi xưa, nhưng phải đến khi, Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của nhà văn Nam Cao, người ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì cùng khổ của người dân cày trong một xã hội thuộc địa bị giày đạp, cào xé, hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình.  

Ngay từ cách giới thiệu nhân vật, nhà văn Nam Cao đã không đi theo trình tự thông thường, mà ông chọn cách đưa Chí Phèo đến với người đọc bằng tiếng chửi đặc trưng của hắn: “Hắn vừa đi vừa chửi, cứ rượu xong là hắn chửi. Hắn chửi trời. Hắn chửi đời. Hắn chửi cả làng Vũ Đại, nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: ‘Chắc nó trừ mình ra’. Hắn chửi đứa nào không chửi nhau với hắn. Hắn chửi đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo…” Sau tiếng chửi của Chí Phèo, nhà văn cũng không quay lại kể chuyện theo trình tự thời gian: từ khi Chí còn là một người hiền lành, đến lúc bị cơn ghen bóng gió của Lý Kiến làm cho bị đi tù, đến khi ra tù, bị “tha hóa”, rơi vào vũng lầy tội lỗi và cứ như vậy trở thành tay sai cho quỷ dữ. Tác giả không đưa câu chuyện đi theo hướng đi đó, mà để cho câu chuyện chạy theo dòng cảm xúc của nhân vật Chí và phải đến sau khi chỉ khi gặp Thị Nở - người được cho là xấu đến mức “ma chê quỷ hờn”, nhưng đồng thời cũng là người mang đến tia sáng lẻ loi giữa cuộc đời đang tối đen như mực của Chí Phèo - ta mới thấy, mới biết được về quá khứ trước lúc ở tù của anh. Hóa ra anh cũng từng có lúc hiền lành đến thế. Vậy điều gì đã đẩy anh đến nông nỗi này, đẩy anh đến bước đường cùng, đẩy anh vào vũng bùn nhơ toàn lầm lỗi? Bằng lối dẫn dắt khéo léo của mình, nhà văn Nam Cao như đưa người đọc cùng đến với thế giới nội tâm rối ren của nhân vật Chí, những suy nghĩ khó hiểu, những dằn vặt trong anh, những chớm mong muốn được làm hòa với mọi người sau khi gặp Thị Nở, cho đến bi kịch khi khát khao mãnh liệt được trở về làm người thì không còn được nữa. Đọc từng trang văn được diễn tả bởi nhiều điểm nhìn đa dạng khác nhau, vừa độc thoại vừa đối thoại chúng ta dường như được “đau” cùng với nỗi đau của Chí Phèo, “tuyệt vọng” cùng nỗi tuyệt vọng của Chí và khẽ mỉm cười khi Chí lần đầu cảm nhận được tình yêu qua bát cháo hành của Thị Nở.

Chí và thị - hai người đều ở dưới tận đáy của xã hội, một bà cô dở hơi và một thằng “Săng đá” chẳng còn được công nhận làm người, vậy mà họ lại yêu nhau, yêu qua bát cháo hành, yêu qua những quan tâm mà cả hai lần đầu được cho và nhận dù đã sống ở đời cả ngần ấy năm. Như vậy, hai nhân vật không giống “người” nhất ở trong cái xã hội thối nát kia, lại được tác giả miêu tả cho những hành động có “tình người” nhất, phần nào phản ánh một cách thầm kín mà sâu sắc tình hình xã hội lúc bấy giờ, lúc mà con người vì miếng ăn, vì tiền, vì sĩ diện, vì mọi thứ trên đời mà dẫm đạp lên nhau và quên đi cái gọi là “tình người”.

Cuộc đời Chí từ khi gặp thị mới thực sự “thức tỉnh”. Hắn uống ít rượu lại để tỉnh táo mà còn yêu nhau, anh thấy thị có duyên, tình yêu làm cho có duyên, “Hắn muốn làm hòa với mọi người, Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Còn thị, một người bạ đâu ngủ đấy, bây giờ thì trằn trọc không ngủ được. Ôi tình yêu, tình yêu làm cho con người ta thay đổi! Đây có lẽ là lúc chúng ta sẽ phần nào cảm thấy hạnh phúc cho đôi tình nhân mới yêu kia, lúc mà chúng ta tủm tỉm cười cùng từng trang sách. Ít có nhà văn nào mà làm được điều ấy, từng con chữ đều như chạm tới trái tim người đọc, nhưng nhà văn Nam Cao đã làm được, ít nhất với một người là tôi! Nhưng khi quá hạnh phúc, người ta sẽ thường lo sợ về những thứ có thể xảy ra trong tương lai, và đúng như vậy, hạnh phúc của Chí và thị chẳng kéo dài được lâu thì đã vỡ vụn và bà cô của Thị Nở - người đại diện cho định kiến xã hội, người ngăn cấm gặp Thị Nở đến với Chí Phèo đã làm giấc mơ hạnh phúc, giấc mơ trở về lương thiện của Chí Phèo vỡ tan trong phút chốc, thật là đớn đau làm sao! Cuối cùng thì tình người lẻ loi bé nhỏ khi ấy cũng chẳng thể nào thắng đổi định kiến xã hội!

Nhưng chưa dừng lại ở đó, khi mà tác giả đưa Chí Phèo bước vào con đường trả thù, đi đâm chết “con khọm già” đã thẳng tay cướp đi quyền làm người mà hắn vừa mới mong muốn có lại, thẳng tay tước đi vị cứu tinh duy nhất kia của hắn, làm hi vọng trong hắn bị dập tắt hoàn toàn, thì bất ngờ, nhà văn lại cho anh rẽ vào con đường khác - con đường đến nhà Bá Kiến. Có lẽ vì say nên Chí chợt nhận ra, người đầu tiên đẩy hắn đến bước đường cùng này, hóa ra không phải là bà cô Thị Nở, mà chính là Bá Kiến - người đã đẩy Chí Phèo xuống sông rồi túm tóc lôi lên để anh chịu ơn lão, làm tay sai cho lão, thay lão làm những việc bẩn thỉu cho đến tận bây giờ. Khi đã giết Bá Kiến rồi, tưởng rằng Chí Phèo sẽ có một cái kết có hậu, nhưng không, anh tự sát. Phải chăng là do, dù có sống tiếp đi chăng nữa, con đường trở về lương thiện của anh sớm đã không còn, vậy nên anh thà chết trên ngưỡng cửa trở về làm người còn hơn sống tiếp kiếp sống thú vật. Cứ như vậy, nhà văn dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và câu chuyện khép lại với hình ảnh Thị Nở thoáng nhìn xuống bụng và nghĩ về cái lò gạch cũ. Cái kết tạo nên một vòng tròn khép kín cho câu chuyện - mở ra bằng “lò gạch cũ” khép lại cũng là “lò gạch cũ”. Phải chăng sẽ lại có một Chí Phèo con ra đời và vòng luẩn quẩn kia lại lặp lại như thế? Tác giả không khẳng định điều gì mà chỉ để kết lửng như vậy, khiến cho người đọc phải tò mò, phải suy ngẫm, càng làm cho tác phẩm trở nên thật thú vị và độc đáo.

Tiếp đến là bài thơ “Vội Vàng” của tác giả Xuân Diệu. Nếu như Chí Phèo được tác giả Nam Cao đổi mới, sáng tạo phần lớn về mặt nội dung thì qua bài thơ “Vội Vàng”, nhà thơ Xuân Diệu lại để lại trong ta ấn tượng khá rõ nét về việc đổi mới hình thức - một điều mà không phải nhà thơ nào cũng dám làm. Bước ra khỏi khuôn khổ của thơ Đường, tác giả viết “Vội vàng” dưới thể thơ tự do câu ngắn câu dài khác nhau, biểu lộ được những cảm xúc tình cảm khác nhau.

Nếu ở bốn câu thơ đầu, tác giả viết với thể thơ năm chữ ngắn gọn dồn nén cảm xúc, thì những câu thơ sau đó, tác giả lại chọn những câu thơ tám chữ để diễn tả những cảm xúc được bung tỏa. Nếu như bốn câu thơ đầu mới chỉ là những khao khát mãnh liệt của tác giả, của chủ thể thì những câu sau chính là niềm vui là sự hân hoan là thái độ vồ vập cuồng si của tác giả với bức tranh thiên nhiên - một thiên đường nơi mặt đất.

Bảy câu thơ sau trong đoạn thơ thứ nhất của bài thơ có lẽ là những câu thơ với sự sáng tạo mới mẻ và táo bạo nhất của tác giả. Thường người ta sẽ lấy thiên nhiên để làm thước đo chuẩn mực cái đẹp để diễn tả vẻ đẹp con người, nhưng ở đây nhà thơ lại vô cùng táo bạo khi lấy con người làm chuẩn mực cái đẹp để diễn tả cảnh sắc thiên nhiên:

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

“Hàng mi”, “cặp môi” đều làm những hình ảnh đẹp được nhà thơ sử dụng, gợi cho ta liên tưởng đến hình ảnh thiếu nữ khép hờ đôi mắt dưới ánh nắng ban mai, mang dáng vẻ và hình hài trẻ chung son sắt.

Nhưng tình yêu của tác giả không chỉ nằm trong khuôn khổ tình yêu nam nữ, mà còn thể hiện ở cả tình yêu với thiên nhiên với cuộc đời, thể hiện ở những mong muốn rất mới rất ngông nghênh của ông:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Như vậy, tác giả muốn chủ động níu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên chứ không để nó qua đi rồi mới hoài tiếc nuối - một quan điểm rất lạ lùng, rất mạnh dạn và cũng thật là ngất ngưởng ngông nghênh. Hai câu thơ này cùng với bốn câu thơ đầu của bài thơ là những khao khát của nhà thơ với thiên nhiên đất trời, ông muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để lưu giữ những gì đẹp nhất cho cuộc đời, ông ý thức được vẻ đẹp quý giá của nắng xuân, của hương hoa cỏ. Thêm vào đó là sự xuất hiện của cái tôi ngông cuồng thách thức cả vũ trụ hòa quyện với cái tôi hồn nhiên yêu ở đời của ông. Tất cả những điều ấy mang đến một hồn thơ rất riêng, rất lãng mạn, rất “Xuân Diệu”.

Trong những câu thơ đầu tác giả dùng “tôi” nhưng đến những câu thơ cuối cái “tôi” ấy đã chuyển thành “ta”:

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”

Như vậy, từ những khát khao giao cảm đã đi đến giao hòa, tác giả như muốn được hòa vào làm một với thiên nhiên, bởi như vậy thì mới có thể níu giữ được vẻ đẹp của thiên nhiên ấy, kết hợp với các động từ mạnh “ôm” “siết” “say” “thâu” cho đến “cắn”:

“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”

Tác giả Xuân Diệu của chúng ta cho thấy được sự chủ động, sự tích cực của mình trong việc níu giữa mùa xuân, đồng thời là sự tham lam muốn thu lại tất cả những gì tươi đẹp nhất của mùa xuân của bức tranh thiên nhiên cảnh vật, vạn vật kia để nhấm nháp, để tận hưởng, để lưu giữ mãi về sau.

Đặc biệt hơn cả, bài thơ được sáng tác vào năm 1939, khi mà Thạch Lam lúc này đang đắm chìm trong đêm tối Phố huyện thì Xuân Diệu của chúng ta lại mang đến những gam màu tươi sáng, những vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân đất trời, cho thấy sự lạc quan, lãng mạn của ông và cái nhìn khác biệt giữa các tác giả. Người ta hay nói rằng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, có lẽ vì vậy nên văn của tác giả Thạch Lam mới nhuộm đầu màu tâm trạng. Còn Xuân Diệu - người con Hà Tĩnh này có lẽ đang nhìn đời với đôi mắt màu hồng của con người đang yêu, đang say đắm trong những thứ đẹp đẽ, quả không hổ danh là nhà thơ lãng mạn, là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới!

Qua hai tác phẩm, ta thấy được rõ nét những điểm đặc biệt điểm mới lạ của từ người, mỗi bài văn bài thơ lại mang một màu rất riêng một nét chấm phá riêng và những sáng tạo riêng mang đậm phong cách của từng tác giả, không ai giống ai, không ai trùng với ai. Bởi quan điểm về văn chương đó là “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, vậy nên những tác phẩm văn chương thành công thường sẽ là những tác phẩm mang những phát minh, những khám phá, những phá cách, những sáng tạo mới và rất mới, độc đáo và vô cùng táo bạo.

Viết bởi Bùi Ngọc

Advertisement

(*) Bản quyền bài viết thuộc về AnyBooks.vn. Khi chia sẻ, cần phải dẫn link, trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết và AnyBooks - Kết nối tri thức. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Trang chủ: AnyBooks.vn, hoặc click: Sách hay, Nguyễn Tuân, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Thơ ca là gì, trích dẫn sách, Cái tôi là gì, Tản văn hay

Từ Sách Đến Đời
Sách cùng danh mục
Những cách học tập hiệu quả khi học Đại học

Những cách học tập hiệu quả khi học Đại học

Những năm đại học trôi qua nhanh lắm, thế nên hãy tranh thủ thời gian này tận hưởng tháng năm tuổi...

Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh?

Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh?

Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh? 10 cách đơn giản AnyBooks gợi ý trong bài viết này sẽ giúp cho các...

Làm thế nào để học tốt môn Lịch sử?

Làm thế nào để học tốt môn Lịch sử?

Rèn khả năng tư duy là điều vô cùng quan trọng trong môn Lịch sử, tư duy những sự kiện và ý nghĩa...

Làm thế nào để học tốt môn Văn?

Làm thế nào để học tốt môn Văn?

Làm thế nào để học giỏi và đạt điểm cao môn Văn? Hôm nay, AnyBooks sẽ mách bạn 7 cách học môn văn...

Làm thế nào để học tốt?

Làm thế nào để học tốt?

Bạn học nhiều chưa chắc đã tốt, người thông minh học ít nhưng vẫn đạt được kết quả cao. Bởi...

Những nhận định hay về tác phẩm văn xuôi lớp 12

Những nhận định hay về tác phẩm văn xuôi lớp 12

Để bài văn thêm hấp dẫn không thể thiếu các nhận định văn học, dưới đây là những tổng hợp...

Tổng hợp những câu nói, nhận định văn học hay nhất

Tổng hợp những câu nói, nhận định văn học hay nhất

Để bài văn thêm hấp dẫn chúng ta cần phải sử dụng những câu nói, những nhận định về văn học....

Học để làm gì? Học có gì thú vị mà tại sao phải học?

Học để làm gì? Học có gì thú vị mà tại sao phải học?

Có phải bạn luôn tự hỏi học để làm gì? Học có gì thú vị? Học liệu có phải là con đường duy...

Advertisement
Sách hay nên đọc
Tổng hợp những câu nói, nhận định văn học hay nhất

Tổng hợp những câu nói, nhận định văn học hay nhất

Để bài văn thêm hấp dẫn chúng ta cần phải sử dụng những câu nói, những nhận định về văn học....

Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung

Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung

Nhà văn Nga L.Lê-ô-nốp có nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá...

Làm sao để viết văn hay? Cách viết văn có chiều sâu và cảm xúc

Làm sao để viết văn hay? Cách viết văn có chiều sâu và cảm xúc

Làm thế nào để viết văn hay, mượt mà, có chiều sâu và cảm xúc? Liệu một học sinh học giỏi các...

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2020, 2021, 2022 môn Địa Lí

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2020, 2021, 2022 môn Địa Lí

Cập nhật đề thi môn địa lí kỳ thi THPT Quốc gia chính thức của Bộ GD GD&ĐT(Có đáp án) các năm 2020,...

Làm thế nào để học tốt?

Làm thế nào để học tốt?

Bạn học nhiều chưa chắc đã tốt, người thông minh học ít nhưng vẫn đạt được kết quả cao. Bởi...

Những nhận định hay về tác phẩm văn xuôi lớp 12

Những nhận định hay về tác phẩm văn xuôi lớp 12

Để bài văn thêm hấp dẫn không thể thiếu các nhận định văn học, dưới đây là những tổng hợp...

Anybooks.vn - Kênh thông tin giới thiệu sách, review sách, chia sẻ những cuốn sách hay nên đọc dành cho độc giả.