Bếp lửa - “Tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen”

Bếp lửa”, bài thơ mang vẻ đẹp của một giọt nước trong vắt, viết về kí ức tuổi nhỏ đẹp đẽ, tươi hồng. Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm đẹp và ước mơ tuổi trẻ. Ở đất nước Nga xa xôi, “bếp lửa” ra đời trong ngăn kéo tuổi thơ, là cơn mưa rào trong lành của kí ức.

Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

1. Hình ảnh bà và bếp lửa

Bài thơ được bắt đầu bằng hình ảnh bếp lửa, hình ảnh xuyên suốt bài thơ. Từ hình ảnh đó, tâm hồn nhà thơ ngược quá khứ , tìm về với những kỉ niệm của một thời thơ ấu đầy gian khổ:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!

Hình ảnh bếp lửa mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, nó tượng trưng cho những suy tư của nhà thơ về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị mà vô cùng lớn lao. Đồng thời cũng chính là sự biểu đạt của những kỉ niệm thời thơ ấu khốn khó. Trong tâm trí của nhà thơ, hình ảnh của chiếc bếp lửa đượm hồng trong tiết trời se lạnh của ban mai vẫn luốn là hình ảnh ấn tượng nhất, hình ảnh chờn vờn gợi lên những mảnh kí ức hiện về trong tác giả một cách chập chờn như khói bếp. Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật và toả sáng tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Bếp lửa được thắp lên đó cũng là bếp lửa của cuộc đời bà đã trải qua biết mấy nắng mưa. Ngọn lửa dường như đang chuyển động toát ra hơi ấm, đồng thời cũng là hơi ấm của người bà. Bếp lửa còn tượng trưng cho niềm tin:

Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...

Và sự đoàn kết cùng nhau chống giặc của dân làng:

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Bà trong kí ức của cháu là người giữ lửa của hi vọng, mang đến yêu thương, đan dệt yêu thương. Hình ảnh bếp lửa tượng trưng cho sự đoàn kết, trong khói lửa chiến tranh, con người biết đi tìm những hạt mầm nhỏ nhất, để giữ bằng được niềm tin sẽ chiến thắng mọi khó khăn vất vả.

Bếp lửa và bà là hai hình ảnh sóng đôi, tình yêu của nhà thơ dành cho bà được biểu hiện ngay qua những câu thơ đầu tiên, da diết và mạnh mẽ. Tình cảm bà cháu thiêng liêng mà giản dị được gửi gắm qua từng câu thơ. Có thể nói, kí ức của nhà thơ luôn bị tác động mãnh liệt bởi người bà yêu dấu của mình.

2. Hồi ức về những kỉ niệm

Bếp lửa chỉ là hình ảnh được nhà thơ mượn để làm tiền đề bắt đầu cho dòng suy tư về một tuổi thơ đầy thiếu thốn:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Khổ thứ hai là kỉ niệm buồn bã về những cơn đói, con người đói. Cái đói mòn mỏi. Cái đói khủng khiếp và vắt kiệt hết sự sống. Từ đói được lặp lại như để nhấn mạnh thêm về một giai đoạn vô cùng gian khó, nhịp thơ như được kéo dài hơn, tạo cảm giác ảm đạm, lê thê, hiu quạnh. Hình ảnh của những cơn khói ám ảnh trong từng sự vật, hiện trên cả thân ngựa, mùi khói. Từ “khô rạc” và “ngựa gầy” nhấn mạnh thêm cái kiệt quệ của cả sinh vật lẫn con người trong nạn đói. Không có ánh sáng, không có hơi ấm, mùi khói chỉ gợi lên cảm giác lạnh lẽo. Kí ức về cái đói mãnh liệt đến độ cảm giác đó vẫn còn giữ nguyên khi nhà thơ trưởng thành. Thầy Bàng Bá Lân đã từng viết:

Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu đầy đường,

Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!

Quả thật đó là những kí ức đau đớn của cả một dân tộc Việt Nam

Bà đã cùng cháu đi qua những năm tháng đói khổ như vậy. Để rồi suốt những năm tháng tuổi thơ, hình ảnh người bà vẫn gắn liền bên cháu. Hai bà cháu đã cùng nhau nhóm lên không biết bao nhiêu ngọn lửa trong suốt 8 năm ròng:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế

Những gian khó đi theo người cháu suốt những năm tháng ấu thơ. Hai bà cháu nương tựa nhau dìu dắt nhau qua những tháng ngày tuổi thơ cực nhọc. Tiếng tu hú như phá tan không gian tĩnh lặng của bài thơ, tiếng tu hú kêu tượng trưng cho sự may mắn, báo hiệu mùa lúa chín, thể hiện niềm tin về sự no đủ trong tương lai, được nhấn mạnh tới ba lần để tạo không gian xa vắng. Lồng ghép trong tiếng kêu của tu hú là tiếng bà kể chuyện. Tạm gác qua gánh nặng cơm áo gạo tiền, hai bà cháu cùng nhau trải qua những ngày tháng tươi đẹp bên cạnh những câu chuyện của bà. Hình ảnh cháu cùng bà nhóm lửa thể hiện sự gắn kết giữa hai bà cháu. Không chỉ là nhóm lửa, đó còn là nhóm lên sự sống, nhóm lên tình yêu. Bà không chỉ kể chuyện, bà còn dạy bảo cho cháu nhiều điều, thay cha mẹ chăm lo cho cháu để cháu được nên người:

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm bà chăm cháu học

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc

Tu hú ơi, chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa

Hai con người dìu dắt nhau qua sự khốc liệt của chiến tranh. Trưởng thành trong máu lửa, người cháu đã lớn lên, biết nhóm lửa, biết suy nghĩ thương bà khó nhọc. Khổ thơ tựa như một thước phim quay chậm với những hình ảnh vừa cụ thể vừa xúc động. Câu thơ mà thực như là lời kể lời giãi bày của tác giả, nhưng cũng chỉ cần có vậy thôi đã nói lên tấm lòng, sự tận tụy của bà đối với cháu. Bà đã trở thành người cha, người mẹ dạy cháu khôn lớn, nên người:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Chúng ta đã chiến thắng chiến tranh nhờ những con người như thế, biết yêu thương, biết đùm bọc, biết lo lắng.

3. Lời khẳng định cho tấm lòng luôn hướng về bà

Giờ cháu đã đi xa.

Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẵng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Bài thơ là dòng độc thoại của nhân vật trữ tình, đẹp một cách cảm động, vượt qua khoảng cách của không gian và thời gian để tìm về với kí ức. Đoạn thơ cuối là một lời khẳng định đầy đanh thép, người bà đã là, đang là và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ờ bất kì phương trời nào. Bà đã trở thành một người không thể thiếu trong trái tim cháu. Giờ đây, khi đang ở xa bà nửa vòng trái đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà. Nhà thơ bật ra tâm tư của mình một cách cảm động và tự nhiên:

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Để nhắc nhở mình tuyệt đối không được quên hình ảnh người bà thân yêu của mình. 

Kí ức là tài sản lớn nhất của mỗi người, bài thơ là dòng kí ức đẹp nhất của chính nhà thơ, hồn nhiên mà ngập tràn xúc cảm, thể hiện rõ nhất tình yêu của nhà thơ dành cho người bà thân yêu của mình.

Thảo Nguyên

Advertisement

(*) Bản quyền bài viết thuộc về AnyBooks.vn. Khi chia sẻ, cần phải dẫn link, trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết và AnyBooks - Kết nối tri thức. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Trang chủ: AnyBooks.vn, hoặc click: Sách hay, Nguyễn Tuân, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Thơ ca là gì, trích dẫn sách, Cái tôi là gì, Tản văn hay

Từ Sách Đến Đời
Sách cùng danh mục
Chiếc lược ngà - Thánh ca của tình phụ tử thiêng liêng

Chiếc lược ngà - Thánh ca của tình phụ tử thiêng liêng

Tác phẩm Chiếc lược ngà viết về những con người anh hùng, một bản hùng ca của tình phụ tử thiêng...

Những người khốn khổ - Tiếng nấc xé lòng của những phận đời bèo bọt

Những người khốn khổ - Tiếng nấc xé lòng của những phận đời bèo bọt

“Những người khốn khổ” thiên sử anh hùng tráng lệ của văn hào Victor Hugo, một tác phẩm kinh điển...

Advertisement
Sách hay nên đọc
Những tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Trãi

Những tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi - một trong những con người kiệt xuất của dân tộc, một nhà văn, nhà văn hóa tài năng....

Đôi nét về phong trào thơ mới - Thời kỳ đỉnh cao của văn học việt nam

Đôi nét về phong trào thơ mới - Thời kỳ đỉnh cao của văn học việt nam

Lịch sử ra đời, giai đoạn và khái quát những đặc điểm, thành tựu nổi bật của phong trào thơ mới,...

Khuynh hướng sử thi & cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

Khuynh hướng sử thi & cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

Trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được sử dụng rất...

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Quỳnh

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh là một nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, những tác phẩm của bà luôn mang lại...

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của đại thi hào Puskin

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của đại thi hào Puskin

Đại thi hào Pushkin đóng vai trò to lớn trong phát triển ngôn ngữ Nga, là một nhà văn học hàng đầu thế...

Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

“Từ ấy” là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu, có ý nghĩa đặc biệt đánh dấu bước...

Anybooks.vn - Kênh thông tin giới thiệu sách, review sách, chia sẻ những cuốn sách hay nên đọc dành cho độc giả.